Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2021- 2023”, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là 13,36%; con số này ở học sinh tốt nghiệp THPT là 17,29%. Mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ này lên ít nhất 30% và 35%. Đây thật sự là bài toán khó.
Học sinh tham gia các hoạt động tại ngày hội tư vấn nghề nghiệp ở Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê). Ảnh: NGỌC HÀ
Tỷ lệ học sinh học nghề còn thấp
Trên địa bàn huyện Hòa Vang, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh không vào lớp 10 công lập khoảng 30-34%. Trong số học sinh không đỗ này, tỷ lệ đăng ký học trường THPT tư thục khá thấp (1,5%); đăng ký học nghề tại các trường nghề khoảng 6%; đăng ký học nghề tự do khoảng 10%; đăng ký học các loại hình khác khoảng 80%; số học sinh còn lại không học gì, làm gì trong năm học 2022-2023 có dấu hiệu tăng với tỷ lệ 23,33% (năm học trước đó chỉ 11,2%). Tại quận Liên Chiểu, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp trong 3 năm học: 2020-2021; 2021-2022; 2022-2023 đạt tỷ lệ 12%.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp giai đoạn 2021-2023 có chiều hướng tăng nhẹ, lần lượt là 13,36%, 17,29%. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn thấp. Lý giải về điều này, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận cho hay, đối với học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THCS, đa số phụ huynh, học sinh còn coi trọng việc phải học lên cấp THPT, xem nhẹ việc tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức của một số người học và gia đình còn xem việc hướng nghiệp chưa phải là nhu cầu của cá nhân sau độ tuổi THCS.
Đối với học sinh sau tốt nghiệp THPT, với tâm lý của bản thân cũng như gia đình nặng về chuộng bằng cấp đại học, đồng thời sự phát triển của hệ thống trường đại học tư tại địa phương phát triển mạnh thu hút học sinh sau tốt nghiệp THPT dẫn đến lượng học sinh chọn ngành nghề bậc trung cấp, cao đẳng còn hạn chế. Tuy hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương phát triển, đa dạng về ngành nghề, tuy nhiên công tác tư vấn nghề chưa sâu, dẫn đến việc thu hút học viên tham gia học nghề chưa cao. Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng nhân lực chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tâm lý ngại học nghề của học sinh.
Cần giải pháp căn cơ
Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Sở GD&ĐT thực hiện các kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh theo chủ trương của Bộ LĐ,TB&XH và UBND thành phố. Trong đó, xác định tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, lớp 12 lựa chọn ngành nghề phù hợp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp là rất quan trọng.
Sở GD&ĐT cũng tăng cường nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Trong đó, đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đồng thời, phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố và các cơ sở giáo nghề nghiệp để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; tuyên truyền định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và thị trường lao động. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được đặc biệt quan tâm.
Sở GD&ĐT phối hợp Sở LĐ,TB&XH cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động của địa phương và trong cả nước cho các cơ sở giáo dục. Các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường; đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) cho biết, thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh đối với việc học nghề là rất khó khăn. Mỗi năm, nhà trường lồng ghép trong cuộc họp phụ huynh để tuyên truyền; đồng thời, mời phụ huynh tham gia ngày hội tư vấn nghề nghiệp.
“Tại các ngày hội tư vấn nghề nghiệp, chúng tôi mời một số cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giới thiệu về ngành nghề phổ biến cho phụ huynh, học sinh. Tận mắt chứng kiến, trải nghiệm các nghề sẽ giúp phụ huynh, học sinh có cái nhìn khác hơn; nhất là với các em có nguy cơ không đỗ lớp 10”, cô Vân nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, các ngành chức năng cần chú trọng đến xây dựng các cơ sở dạy nghề ở các vùng ven; các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho đối tượng học nghề… Những năm gần đây, học sinh đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Giao thông trên địa bàn quận ổn định, trong khi đó học sinh học nghề ở những địa điểm cách xa thường bỏ học giữa chừng.
“Nên chăng các trường nghề mở thêm cơ sở ở địa bàn Liên Chiểu, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ… tạo điều kiện cho các em học sinh vùng ven. Điều quan trọng nhất, học nghề là để phục vụ nghề nghiệp, cuộc sống của các em sau này. Do đó, bài toán đầu ra cần phải được các sở, ngành liên quan làm mạnh mới mong thu hút học sinh học nghề”, ông Lịch nói.