Home / Doanh nhân / Một thời cá đồng Thanh Tùng

Một thời cá đồng Thanh Tùng

Sáng thứ Bảy, thằng em họ rủ tôi về quê, nó bảo: “Năm nay tết Thanh minh tụi mình không về quê cúng bái được vì trong thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Nay đã có quy định giãn cách, tranh thủ về quê thắp nhang mồ mả ông bà và nhân tiện hít thở không khí trong lành”. Nghe hợp lý, vậy là uống vội ly cà phê, chúng tôi lên đường.

Quê tôi nghe rất giàu có – ấp Phú Quý (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi), nhưng từ thời khẩn hoang và cho đến tận bây giờ, bà con trong xóm vẫn quen gọi là Ông Đơn, tên của tuyến kênh chạy qua địa bàn ấp có chiều dài gần 10 km, nối sông Vàm Đầm với sông Thanh Tùng, mà xuất xứ tên gọi nghe buồn tẻ này thì hiện tại những lão nông ở địa phương cũng không lý giải được.

Cậu tôi bảo, thời Pháp thuộc, quê tôi là vùng nê địa, trên tuyến kênh dài heo hút chỉ có vài nóc gia, hầu hết là bà con thân tộc đến khai khẩn lập nghiệp. Rồi họ sanh con, đẻ cháu, mở rộng đất đai để canh tác, dân cư dần đông hơn, nhưng những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ thì xứ này cũng chỉ khoảng 25 hộ dân và tất cả đều một lòng theo cách mạng. Mặc cho bom cày đạn xới, những cuộc hành quân càn quét, tìm diệt… liên miên của địch, căn cứ của xứ uỷ, của tuyên huấn khu, của các cơ quan Mặt trận đóng rải rác trên tuyến kênh này được người dân đánh đổi cả mạng sống để bảo vệ an toàn.

Người dân sẵn sàng cống hiến ruộng vườn, chia sẻ áo cơm… cung cấp cho vùng căn cứ kháng chiến. Mỹ và bè lũ tay sai từng tuyên bố xoá được cái chấm đỏ nguy hiểm của xứ Thanh Tùng có nghĩa là chúng sẽ xoá được một bộ phận quan trọng trong bộ não chỉ huy của Cộng quân ở chiến trường Cà Mau, trong cái chấm đỏ đó có địa danh Ông Đơn.

Kết thúc kháng chiến, lập lại hoà bình, người dân xứ Ông Đơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong học tập, lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng quê hương. Cách đây không lâu, muốn về Ông Đơn, chúng tôi phải đi cao tốc ghé chợ Vàm Đầm, rồi từ đó phải thuê đò dọc chạy vào và đi trên đường đất trơn trượt. Song, qua rồi cái thời “sang sông phải luỵ đò”, đường về quê tôi giờ đã có tuyến lộ bê-tông thông thoáng nối với tuyến tỉnh lộ về trung tâm xã Thanh Tùng và các xã lân cận, bộ mặt nông thôn quê tôi thay đổi từng ngày.

Ngồi trên xe, suy nghĩ miên man nên đường về quê như ngắn lại. Thằng em họ bộc bạch: “Mỗi lần về tới đầu xóm là tôi nghe lòng xốn xang, dẫu rằng bây giờ có lộ, mình về thường hơn, nhưng cảm giác cũng như lần đầu. Nè, qua khỏi đất nhà cô Ba một đỗi là đến nhà cậu Tư Đoàn, điểm đến của mình đúng không”. Nó vừa dứt lời đã nghe tiếng anh Tuyên (con cậu Tư) gọi ơi ới: “Ê, tụi bây mới về hả, ghé nhà làm thủ tục đi, anh rước bà xã, chút về lai rai nghen”.

“Thủ tục” mà anh Tuyên nói là thắp nhang bàn thờ ông bà vì nhà cậu Tư như là từ đường của dòng họ và phía trước có khu gia mộ. Thấy chúng tôi, cậu Tư trách: “Tết không thấy về, cúng Thanh minh cũng chẳng thấy mặt, tao tưởng tụi bây quên đường về quê rồi chứ”.

Đường về Ông Đơn hôm nay.

“Năm nay Tết con trực cơ quan, còn Thanh minh thì phải lo tránh dịch Covid-19. Quê hương là chùm khế ngọt mà quên sao được cậu”, thằng em họ tôi giả lả. Sau đó, chúng tôi vào nhà thắp nhang bàn thờ gia tiên, rồi ra khu gia mộ thắp nhang mồ mả. Khi chúng tôi trở vào trong sân nhà thì anh Tuyên cũng vừa về đến và ngồi xuống nền gạch uống trà với chúng tôi.

Thời điểm này, đi đến đâu cũng nghe bàn luận về phòng, chống dịch Covid-19 và buổi trò chuyện của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Uống vừa hết bình trà thì vợ anh Tuyên mang mồi ra và không quên xách theo chai rượu nếp thơm phức. “Tụi bây về bất ngờ nên không có gì để thết đãi, may mà trên đường về tao thấy có xe bán thịt dạo, ghé mua miếng ba rọi về chiên nước mắm. Ông Đơn bây giờ “mồi bọng” khó khăn lắm, chớ không như trước đây cá, mắm bao la”. Anh Tuyên dứt lời rồi nốc cạn ly rượu “tiên chủ hậu khách”.

“Hồi đó, xứ Thanh Tùng này được ví như “vương quốc” cá đồng mà gọi chung vậy thôi, thực ra nhiều nhất là ở xóm Ông Đơn. Hồi đó ở đây cá thiên nhiên nhiều vô số, mùa hạn ở thềm đìa cá ục như cơm sôi. Chuẩn bị làm đìa, thanh niên mặc quần tà lỏn lội xuống kênh vét cỏ, khi lên bờ chỉ cần giũ cái quần là đủ cá bổi cho bữa ăn (vì nước ao càng bị quậy nó càng tập trung lại). Hồi đó, các loài bò sát cũng rất phong phú và đa dạng, cứ mỗi lần đốt đồng là rùa vàng bò lổm ngổm, kỳ đà đôi khi nằm vắt cổ chết khô trên chảng ba cây tràm, trăn, rắn đầy đồng…”, cậu Tư cứ liên miên nhắc “hồi đó”, gợi tôi nhớ lại những câu chuyện mẹ kể khi tôi còn nhỏ…

Xứ Ông Đơn được thiên nhiên ưu đãi cho mảnh đất trù phú. Phía trước, dọc theo tuyến kênh là vùng nước mặn, nơi trú ngụ và sinh sản của vọp, sò, ốc len, ba khía… dưới những tán rừng đước dày đặc. Còn bên trong là vùng nước ngọt, cây ráng, bình bát mọc um tùm che chắn cho các loài bò sát sinh trưởng. Mùa nước “rọt” (mùa khô cận Tết), đồng đất ở Ông Đơn đâu đâu cũng thấy cá. Mùa tát đìa, người ta phải đào những cái ao cạn, dùng ni-lông lót dưới đáy để rộng cá. Mỗi khẩu đìa tát lên, hàng chục thanh niên trai tráng gánh cá chuyển về tới nhà, từ tinh mơ đến tối mịt mới xong.

Có lẽ do cá đồng quá nhiều nên hầu như không ai ăn cá dầy, còn cá bổi phải 3-4 con/kg người ta mới ăn. Riêng cá rô, chỉ ăn cá rô mề, thường thì trước khi tát đìa, người ta đào lỗ để nhốt cá rô lại rồi ủ cỏ khô đốt bỏ để bớt chướng ngại khi tát đìa (cá rô đâm đau chân), rắn nhốt đầy khạp để bằm nấu cho heo ăn, cua bắt được chỉ bẻ cặp càng luộc ăn, còn mình cua bỏ lại dưới sông, rạch…

Nhớ có lần bác Hai tôi bảo, hồi đó, cá đồng không chỉ là thực phẩm nuôi sống người dân mà nó còn là nguồn giao thương, trao đổi với các mặt hàng hoá thiết yếu khác. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, quá trình xây dựng, phát triển quê hương, cá đồng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Cây lúa, cá đồng đã làm nên diện mạo cho kênh Ông Đơn nói riêng và xứ Thanh Tùng nói chung.

Song, những năm đầu của thập niên 2000, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch vùng và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang nuôi thuỷ sản, nghề nuôi tôm phát triển nhanh chóng, trở thành thế mạnh kinh tế của tỉnh. Và, bị cuốn theo cơn lốc đổi đời, người dân Ông Đơn tự phát nuôi tôm không theo quy hoạch chung của tỉnh. Vườn cây, đồng ruộng được đào đắp thành những vuông tôm, nước mặn tràn vào, con cá đồng biến mất.

Nguồn lợi từ con tôm đã làm thay đổi kinh tế hộ gia đình, diện mạo nông thôn ở Ông Đơn cũng khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nuôi trồng ồ ạt, nguồn nước ô nhiễm, thiên tai, dịch bệnh…, tôm chết, thất mùa, nguồn thu nhập chính bấp bênh, không ít gia đình ở Ông Đơn lâm cảnh túng quẫn. Có thể nói, sau những biến động của thời cuộc, của thiên nhiên, xứ Ông Đơn đã có những đổi thay, sáng sủa hơn, mới mẻ hơn nhưng theo đó vẫn có những hệ quả tồn tại.

Bây giờ, mỗi khi hồi tưởng về vùng đất mà mình từng được sinh ra, lớn lên, cũng như từng chứng kiến qua bao biến thiên, lòng tôi ngập tràn cảm xúc. Và, một thời cá đồng Thanh Tùng thường được bắt đầu bằng  chữ “hồi ấy”./.

Mỹ Pha-baocamau.com.vn